Các biến chứng thường gặp và thời gian phục hồi sau khi phẫu thuật cột sống là bao lâu?

Ngày đăng: 30/11/2023 08:57 AM

    Thời gian phục hồi sau mổ cột sống

         Thật khó để trả lời chính xác mổ cột sống cổ, mổ cột sống lưng bao lâu thì khỏi, bởi vì việc này còn phụ thuộc vào bệnh cảnh cụ thể, mức độ nặng nhẹ, tổng trạng của bệnh nhân, mục đích và phương pháp phẫu thuật,...Thời gian phục hồi sau mổ cột sống tùy thuộc vào từng người. Sau khi mổ cột sống liên quan các bệnh lý do thoái hóa, các triệu chứng của bệnh nhân sẽ cải thiện nhiều nhất trong vòng 3 tháng đầu tiên và dự kiến cải thiện thêm trong vòng 12 tháng. 

        Thông thường, người bệnh có thể quay trở lại hoạt động sinh hoạt bình thường sau 2 – 3 tuần. Tuy nhiên trong thời gian này,  người bệnh cần tránh lao động nặng hoặc chơi thể thao.

        Từ tuần thứ 3 cho đến tuần 12 sau phẫu thuật có thể làm các công việc nhẹ nhàng không có tăng áp lực lên vị trí cột sống phẫu thuật 

        Từ tháng thứ 4 trở đi có thể làm công việc bình thường tránh mang vác nặng, các động tác lao động phải cúi cột sống nhiều và chú ý các tư thế đúng trong cuộc sống hằng ngày.

        Sau 12 tuần, người bệnh có thể bắt đầu tập lại các môn thể thao nhẹ nhàng (chạy bộ, bơi lội). Đối với các môn thể thao đối kháng có thể trở lại sau khoảng  6– 9 tháng, nhưng cần tăng dần mức độ luyện tập từ từ và có ý kiến của bác sĩ.

         Đối với các trường hợp có thực hiện phẫu thuật hàn thân đốt sống, suốt giai đoạn sớm của thời kỳ hàn xương, cột sống cần mất 3- 6 tháng để hàn xương. Lúc này, cần phải tránh các hoạt động có thể gây tổn hại cho các dụng cụ cố định hỗ trợ các đốt sống trong khi chúng đang hàn xương.

        Để đẩy nhanh tốc độ hồi phục sau mổ cột sống, tốt nhất người bệnh nên tập phục hồi chức năng.

    Thoái hóa cột sống

    Các biến chứng sau phẫu thuật cột sống thường gặp

    Bất kỳ người bệnh nào sau khi thực hiện phẫu thuật cột sống đều có thể gặp các biến chứng nhưng một số bệnh nhân sau đây tỷ lệ gặp sẽ tăng cao hơn:

    Trong quá trình phẫu thuật có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro mà bệnh nhân cần cân nhắc như sau:

    Cơn đau dai dẳng: Một số bệnh nhân gặp triệu chứng đau kéo dài, kể cả ngay khi đã được phẫu thuật đúng quy cách.

    Nhiễm trùng sau mổ cột sống: Tình trạng nhiễm trùng xảy ra không nhiều ở những ca phẫu thuật cột sống, thay đĩa đệm nhân tạo. Thông thường những khu vực bị nhiễm trùng sau mổ thường nằm ở miệng vết mổ, hoặc vùng đốt sống chưa được khử trùng. Nếu ở trường hợp nhẹ có thể điều trị bằng các loại kháng sinh và thuốc. Tuy nhiên đối với tình trạng vùng bị nhiễm trùng lan đến các mô, tủy sống, đốt sống và dây thần kinh thì sử dụng thuốc sẽ không hiệu quả. Khi đó, bệnh nhân sẽ được cân nhắc phẫu thuật lần hai.

    Đĩa đệm nhân tạo bị lệch: Trong nhiều trường hợp, đĩa đệm nhân tạo có thể di lệch nếu điểm bám xương yếu đi, hoặc tổn thương phần cứng kết cấu. Lúc này, bệnh nhân có thể được chỉ định để phẫu thuật lần nữa nhằm điều chỉnh lại vị trí đĩa đệm.

    Gây tổn thương mạch máu

      Đây là một trong những biến chứng sau mổ cột sống nguy hiểm mà người bệnh cần lưu ý. Mạch máu dễ bị tổn thương thường gặp nhất là tĩnh mạch chậu chung bên trái, tĩnh mạch chủ dưới và tĩnh mạch cùng chậu xuống, động mạch chậu trái. Chủ yếu xảy ra ở đốt sống L5. Nếu can thiệp bằng hoạt động ngoại khoa thì sẽ gây ra tình trạng mạch máu dễ bị vỡ và tắc ứ.

     Tổn thương động mạch sẽ xảy ra ít hơn so với tổn thương tĩnh mạch, do nó đàn hồi và di động hơn, ít có nguy cơ bị rách trong quá trình phẫu thuật. Biểu hiện của tổn thương động mạch có thể xuất hiện huyết khối động mạch hoặc chảy máu muộn sau khi mổ.

     Thuyên tắc tĩnh mạch sâu, huyết khối động mạch có thể gặp trong bất kỳ ca phẫu thuật cột sống nào.

    Gây tổn thương dây thần kinh

    Phẫu thuật có thể khiến dây thần kinh hoặc các màng cứng quanh tủy sống bị tổn thương với các biển hiện mất cảm giác, tê liệt một số bộ phận trên cơ thể hoặc mất kiểm soát ruột và bàng quang.

    Tổn thương rễ thần kinh

    Biến chứng này có thể xảy ra khi tiến hành phẫu thuật cột sống bằng đường mổ trước. Các biểu hiện thường gặp nhất đó là thoát vị nhân đệm, thoái hóa đĩa đệm. Đa số các biến chứng đau rễ thần kinh sẽ giảm dần theo thời gian, tuy nhiên cũng đã có ghi nhận ở một số bệnh nhân, biến chứng này gây hậu quả lâu dài.

    Biến chứng liệt chi

       Khi gặp biến chứng này, người bệnh sẽ bị yếu liệt một phần hay hoàn toàn hoặc khó vận động. Tuy nhiên, người bệnh cũng không cần quá lo lắng vì đây không phải là biến chứng thường gặp sau khi mổ cột sống, tỷ lệ bệnh nhân gặp biến chứng này là rất hiếm.

       Trong phẫu thuật cột sống, chỉ cần bác sĩ thực hiện sai số 1mm cũng có thể khiến chiếc ốc vít đi vào mạch máu hoặc làm tổn thương rễ thần kinh, khiến người bệnh có thể bị liệt vĩnh viễn. Ngoài ra, tình trạng liệt chi còn có thể xuất phát từ tình trạng xơ hóa cơ và dây chằng sau khi mổ, làm ảnh hưởng đến khả năng vận động của bệnh nhân.

    Nói khó, nuốt khó: Sau phẫu thuật cột sống cổ, nhiều người có biểu hiện sưng đau vùng họng, gây khó nói, khó nuốt.

    Tổn thương nội tạng: Những sai sót của bác sĩ trong quá trình phẫu thuật cột sống thắt lưng cũng có thể gây tổn thương khu vực niệu quản, ruột và phúc mạc của bệnh nhân. Lý do là vì những cơ quan này nằm gần đốt sống và có thể bị chèn ép trong quá trình phẫu thuật. Nếu sau phẫu thuật, người bệnh bị đau bụng, buồn nôn, kèm theo sốt cao thì hãy thông báo với bác sĩ ngay.

    Quá trình thoái hóa cột sống nhanh hơn

    Thoái hóa là một quá trình diễn ra tất yếu của cơ thể. Tuy nhiên đối với những người khi sau khi phẫu thuật vẹo cột sống thì tình trạng này sẽ diễn ra nhanh hơn, làm cho bệnh nhân khó vận động, đau nhức kéo dài.

    Nếu muốn tìm hiểu thêm một số tư thế phòng bệnh đau lưng, hoặc bệnh gút và những biến chứng nguy hiểm? Anh/ chị có thể điện thoại trực tiếp cho bác sĩ để được tư vấn kịp thời, tránh tình trạng bệnh nặng gây những biến chứng nguy hiểm.

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo