Khi nói đến bệnh đau thần kinh tọa thì thường có triệu chứng tê dọc đường đi của thần kinh tọa: có thể đau từ thắt lưng lan xuống mông, dọc theo đùi xuống đến cẳng, bàn chân. Khi có các triệu chứng như vậy cần đến khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời tránh tình trạng bệnh nặng gây những biến chứng nặng nề: liệt chân và không kiểm soát trong việc đi tiều, đại tiện…
Những triệu chứng khi đau thần kinh tọa
Thường do tổn thương rễ thần kinh vùng đám rối thần kinh thắt lưng(trên 90%), còn lại do tổn thương trên đường đi của dây thần kinh. Tùy nguyên nhân và vị trí gây thương tổn rễ thần kinh mà bệnh nhân có các triệu chứng khác nhau.
Nguyên nhân hàng đầu đau thần kinh tọa là do chúng bị chèn ép tại ống sống nơi chứa các rễ thần kinh. Có nhiều nguyên nhân gây chèn ép:
– Do ống sống bị các cấu trúc xung quanh chèn vào gây hẹp, như: thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, thoái hóa cột sống gây phì đại mấu khớp, hẹp ống sống thắt lưng…. Các nhóm nguyên nhân do thoái hóa này kết hợp với nhau.
– Do các khối choáng chỗ tại ống sống, như bướu mỡ, bướu bao sợi thần kinh…
– Ít gặp hơn là nguyên nhân choáng chỗ do chấn thương gây ra các khối máu tụ, các mảnh xương gãy di lệch chèn ép vào ống sống.
Nguyên nhân khác gây bệnh đau thần kinh tọa là do viêm thân sống đĩa đệm, tổn thương thân đốt sống (thường do bệnh lao, vi khuẩn)… gây nên tình trạng viêm kích thích thần kinh.
Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa do tổn thương chèn ép trên đường đi của thần kinh hiếm gặp hơn nhiều (như tại cơ hình lê, cổ xương mác..), nhưng dễ gây nhầm lẫn trong chẩn đoán, cần phải được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám kỹ để phân biệt. Ngoài ra, thường xuyên làm việc tư thế xấu, rung xóc hoặc phụ nữ mang thai cũng bị đau thần kinh tọa.
Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao hợp lý, nên tránh các động tác xoay trở mạnh, nhanh trong thể thao quá mức: Bóng rổ, tennis… Nên tập các bài tập cơ bụng và cơ lưng để góp phần hỗ trợ cột sống.
Tập thể dục là phương pháp phòng tránh bệnh đau thần kinh tọa
Không được CONG lưng khi nhấc vật mà luôn ở tư thể thẳng lưng và gập chân lại, dùng sức của cơ chân để bẩy nâng vật lên chứ không dùng sức của cơ lưng. Tránh các tư thế khom cúi lưng khi làm việc. Khi mang vác vật nặng, phải biết cân bằng,phân chia trọng lượng vật đều 2 bên cơ thể, tránh mang vật 1 bên..
Khi ngồi làm việc, phải đúng tư thế, lưng luôn luôn thẳng và phải có điểm tựa lưng ở phía sau. Tránh ngồi lâu một chỗ, sẽ không tốt cho cột sống, nên thường xuyên đứng lên làm các động tác xoay trở nhẹ nhàng( mỗi 45-60 phút/lần).
Tránh nằm trên nệm quá võng, trũng, không nâng đỡ được cột sống dễ đưa đến đau lưng; về lâu dài sẽ gây đau thần kinh tọa. khi nằm luôn giữ cho cơ thể ở vị trí thẳng, tốt nhất là nằm ngửa,đầu kê gối thật thấp, và có gối nhỏ kê dưới khoeo chân .
Nên áp dụng chế độ ăn uống hợp lý, tránh béo phì nếu để cơ thể tăng cân quá mức sẽ là nguy cơ cao gây đau thần kinh tọa. Nên uống nhiều nước, chế độ ăn nhiều chất xơ, giàu calci và các rau quả chứa nhiều vitamin, đặc biệt là các Vitamin nhóm B. Tránh sử dụng các chất kích thích quá nhiều ( đạc biệt là rượu, bia…), nên bỏ thuốc lá.
Nếu bệnh mới có dấu hiệu đau phải đến khám ngay bác sĩ chuyên khoa, không nên để bệnh tiến triển nặng mới đi chữa khi đó sẽ rất khó khăn trong điều trị và việc điều trị sẽ rất tốn kém, mà hiệu quả không cao.
Khi có cảm giác đau, bệnh nhân cần phải có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, không nên tham công tiếc việc sẽ không tốt cho sức khỏe, cần nằm nghỉ tuyệt đối khi đau cấp, nặng để giảm áp lực lên cột sống.
Khi có cảm giác đau thần kinh tọa, cần nghỉ ngơi tránh làm việc quá sức
Bệnh nhân có thể nằm sấp người hoặc nằm ngửa co chân sẽ đỡ đau hơn. Khi có nguy cơ lún và di lệch cột sống (lao, viêm, ung thư…) các bác sĩ sẽ cố định đai nẹp, yếm, áo chỉnh hình thắt lưng, và chỉ định nằm nghỉ tuyệt đối. Chỉ sau khi bệnh đã dần ổn định, người bệnh mới từ từ tập vận động lại. Để tránh tải trọng quá mức lên cột sống bệnh nhân có thể đeo đai lưng hỗ trợ.
Kết hợp vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ, và có thể kết hợp chườm nóng, chiếu tia hồng ngoại, sóng ngắn, từ trường, điện dẫn thuốc lên vùng cột sống thắt lưng nhằm giảm đau và giảm co cứng cơ khi đau thần kinh tọa. Hoặc xoa bóp nhẹ nhàng, châm cứu để đem lại kết quả chữa bệnh đau thần kinh tọa cao nhất.
Thuốc chữa đau thần kinh tọa
Do thuốc sử dụng điều trị bệnh này thường có tác động đến hệ thần kinh nên không được tự ý mua thuốc về tự điều trị bệnh đau thần kinh tọa mà phải uống thuốc theo những chỉ kê toa và chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Khi bị bệnh đau thần kinh tọa, không nên tự mua thuốc nên đến bs để khám, chữa bệnh.
Các phương pháp can thiệp chữa đau thần kinh tọa
Nếu sử dụng các biện pháp không dùng thuốc kết hợp với các loại thuốc cho bệnh nhân tích cực, đúng liệu trình trong thời gian 2-3 tháng mà bệnh đau thần kinh tọa không thuyên giảm thì các bác sĩ sẽ tiến hành một số bước can thiệp sau để điều trị bênh:
Phong bế chọn lọc thần kinh ( Nerve Roof Block)
Là phương pháp sử dụng máy tăng sáng truyền hình (C-arm) để định vị chính xác vị trí của rễ thần kinh cần can thiệp, sau đó tiêm thuốc vào trực tiếp ngay khu vực đó nhằm làm giảm viêm, giảm đau. Kỹ thuật này vừa có tác dụng điều trị vừa có tác dụng chẩn đoán đúng tầng đốt sống bị tổn thương. Đặc biệt nó có hiệu quả cho những bệnh nhân có chống chỉ định với phẫu thuật, vì chỉ cần gây tê tại chỗ, can thiệp tối thiểu ( người già yếu, bệnh tim mạch nặng…)
Phẫu thuật
Tùy vào nguyên nhân gây đau thần kinh tọa mà có phương pháp phẫu thuật thích hợp. Nếu cột sống bị chèn ép mà không mất vững( thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, bướu…) thì chỉ cần giải ép bằng các phương pháp mổ từ mổ mở tối thiểu, mổ vi phẩu qua ống banh đến phẫu thuật nội soi. Nếu cột sống bị chèn ép kèmtrượt hay mất vững cột sống, thì ngoài việc giải ép sẽ cần thêm đạt dụng cụ kết hợp xương để cố định lại cột sống mất vững.
Điều quan trọng là tùy thuộc vào các triệu chứng lâm sàng có phù hợp với các dấu chứng về hình ảnh y học hay không mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ có chẩn đoán chính xác từ đó có phương pháp điều trị phù hợp. Vì nếu chỉ dựa hình ảnh học mà can thiệp phẫu thuật thì sẽ đôi lúc sẽ quá mức chỉ định không cần thiết.
Nếu thấy có các triệu chứng đau thần kinh tọa mới xuất hiện, các bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa đế khám ngay, tránh tình trạng bệnh đau thần kinh tọa diễn tiến nặng hơn gây nhiều nguy hiểm cho sức khỏe của chính các bạn. Hãy biết quý trọng sức khỏe của chính mình, vì đó chính là hạnh phúc của gia đình bạn.
Mọi thắc mắc về nguyên nhân, cách phòng, thuốc chữa bệnh đau thần kinh tọa, các bạn có thể điện thoại trực tiếp cho bác sĩ để được tư vấn kịp thời, tránh tình trạng bệnh nặng gây những biến chứng nguy hiểm.